Kinh nghiệm chỉ đạo áp dụng Mô hình VNEN về tổ chức lớp học, dạy học phân loại đối tượng học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.

Thứ ba - 01/10/2019 05:50
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hànhTrung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ đã tích cực, chủ động trong việc thực hiện đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, đáp ứng nhu cầu, sự đòi hỏi và phát triển của xã hội.
Kinh nghiệm chỉ đạo áp dụng Mô hình VNEN về tổ chức lớp học, dạy học phân loại đối tượng học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
           Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hànhTrung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ đã tích cực, chủ động trong việc thực hiện đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, đáp ứng nhu cầu, sự đòi hỏi và phát triển của xã hội.
          Từ năm học 2012-2013, Thành phố Điện Biên Phủ có 02 trường Tiểu học tham gia dự án VNEN (TH Thanh Minh, TH Hoàng Văn Nô). Đến năm học 2014-2015 có thêm 02 trường nhân rộng dự án VNEN (TH Noong Bua, TH Thanh Trường), các trường còn lại áp dụng một phần mô hình dự án trong việc tổ chức lớp học, dạy các tiết Toán, Tiếng Việt tăng thêm theo Mô hình VNEN. Năm học 2015-2016 các trường sử dụng sách giáo khoa hiện hành, thiết kế bài và dạy theo phương pháp VNEN. Từ năm học 2016-2017 đến nay, thành phố có 9/9 trường thực hiện Dạy- học theo Mô hình VNEN. Việc mở rộng và từng bước vận dụng, triển khai dạy học theo Mô hình VNEN trong toàn thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, thực hiện dạy học và chia sẻ kinh nghiệm dạy học giữa cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học trong toàn thành phố.

          Trong quá trình thực hiện Mô hình VNEN, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tư vấn, kịp thời của Sở giáo dục và Đào tạo, thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền và truyền thông trong giáo dục, giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh có nhận thức đúng đắn và tin tưởng về những ưu điểm và hiệu quả của Mô hình trường học mới mang lại. Hiệu trưởng các trường đã chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường theo mô hình trường học mới. Chất lượng giáo dục của tiểu học thành phố được khẳng định và phát triển bền vững. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học của các nhà trường.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thành phố cũng còn có những khó khăn như: Một số trường trung tâm thành phố tỷ lệ học sinh/lớp quá cao (trên 40 học sinh/lớp, có lớp tới 47 học sinh) nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc bao quát lớp cũng như thời gian dạy cho các nhóm học sinh. Một số phòng học 2 gian, diện tích chật hẹp gây khó khăn cho việc sắp xếp bàn ghế và tổ chức các hoạt động học tập. Một số ít giáo viên tuy đã được tập huấn, bồi dưỡng về Mô hình VNEN song khi tổ chức các hoạt động dạy học còn dập khuôn, máy móc, chưa mạnh dạn điều chỉnh nội dung kế hoạch dạy học. Một số ít phụ huynh học sinh chưa thực sự đồng thuận trong việc cho con em học theo mô hình VNEN, còn lo ngại con bị ảnh hưởng khi ngồi học theo nhóm…
           Để triển khai, áp dụng hiệu quả dạy học theo Mô hình VNEN Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ đã áp dụng một số giải pháp sau:
          Thứ nhất là: chú trọng bồi dưỡng CBQL, GV về Mô hình VNEN- Khâu then chốt
Từ năm 2014 đến nay, ngoài nội dung bồi dưỡng hè do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố đã lựa chọn và đưa nội dung bồi dưỡng “Dạy học theo mô hình trường học mới VNEN” vào nội dung bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường trong toàn thành phố. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã mời lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học về gặp gỡ cán bộ quản lý, giáo viên để chia sẻ phương pháp dạy học VNEN, cũng như định hướng một số cách thức triển khai thực hiện dạy học theo VNEN  cho phù hợp với đối tượng học sinh và đặc thù không gian lớp học tại các trường tiểu học thành phố Điện Biên Phủ. Qua đó, giúp các thầy cô giáo giải đáp những thắc mắc, những băn khoăn vướng mắc và hiểu rõ hơn về công tác tổ chức lớp học, áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học; quy trình học trong nhóm để đạt hiệu quả ở từng hoạt động.

 
           Thứ hai là: làm tốt công tác truyền thông về dạy học theo Mô hình VNEN
          Phòng giáo dục, các đơn vị trường học đã làm tốt công tác tuyên truyền đến cha mẹ học sinh và cộng đồng về phương pháp, hình thức, hiệu quả việc tổ chức dạy học theo VNEN nên đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của phụ huynh học sinh. Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đã từng bước có những thay đổi về nhận thức, tin tưởng vào hiệu quả, chất lượng dạy học mà Mô hình trường học mới mang lại. Hình thức tổ chức, chất lượng dạy học, các hoạt động giáo dục được đăng tải trên các trang Wesbite, cổng thông tin điện tử của ngành, báo, đài truyền hình của thành phố, của tỉnh. 
           Thứ ba là: tổ chức cho học sinh ngồi học theo nhóm đối tượng
Căn cứ vào tình hình thực tế đối tượng học sinh của thành phố, trong mỗi lớp học đều có học sinh học tốt, có học sinh lực học còn hạn chế, thao tác chậm... Nếu chia nhóm ngẫu nhiên thì rất khó khăn cho việc hoạt động của nhóm: học sinh có lực học tốt phải chờ đợi, nhàm chán; giáo viên không đủ thời gian để giúp học sinh có lực học tốt được phát triển và giúp học sinh có lực học còn hạn chế hoàn thành nội dung bài học ngay trong tiết học. Từ năm học 2016-2017 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn căn cứ kết quả bàn giao chất lượng học sinh, qua việc giáo viên theo dõi lực học trong tháng đầu năm học, giáo viên từng bước sắp xếp học sinh ngồi theo nhóm năng lực (những học sinh có lực học tương đương nhau được xếp ngồi cùng nhóm). Trong suốt quá trình dạy học, giáo viên tiếp tục theo dõi và di chuyển học sinh đến các nhóm để đảm bảo các em trong cùng một nhóm tương đối đồng đều về lực học. Nhờ đó mà chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt, khoảng cách giữa các nhóm đối tượng học sinh được rút ngắn hơn nhiều.



          Thứ tư là:  giao bổ sung phiếu bài tập phù hợp năng lực học sinh
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có những yêu cầu đối với giáo viên khi dạy theo Mô hình VNEN: chủ động, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng những thành tố tích cực của Mô hình VNEN trong dạy học; Soạn bài (thiết kế bài học) có nội dung dạy học phù hợp năng lực học sinh.
Để thuận lợi cho giáo viên trong việc giao thêm bài cho học sinh và để học sinh có thể thực hiện tốt việc học theo tiến độ thì việc thiết kế phiếu bài tập là giải pháp tối ưu và mang lại hiệu quả cao trong tiết dạy. Giáo viên thiết kế phiếu học tập theo nội dung bài, sau khi học sinh hoàn thành bài trong tài liệu hướng dẫn học sẽ tiếp tục làm phiếu bài tập giao thêm, mức độ bài trong phiếu phù hợp với năng lực từng học sinh. Giáo viên theo dõi, giúp đỡ để học sinh hoàn thành bài ngay tại lớp, đồng thời định hướng kiến thức mới để học sinh tiếp tục tự học ở nhà. Với giải pháp trên, giáo viên chủ động trong công tác chuẩn bị, học sinh được học theo năng lực của mình, những học sinh có lực học tốt sẽ được bồi dưỡng nâng cao thêm ngay trong các tiết học, những học sinh có lực học còn hạn chế cũng được giáo viên hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế của bản thân các em về nội dung bài học.
         Thứ năm là: tổ chức tốt các hoạt động dạy học trong nhóm
Để hoạt động học tập trong nhóm mang lại hiệu quả, giáo viên tổ chức tốt các hình thức học trong nhóm: Cá nhân tự nghiên cứu, suy nghĩ, giải quyết các câu hỏi ôn tập dưới dạng đề cương, chỉ ra các vấn đề khúc mắc, khó hiểu, vấn đề chưa rõ ràng mà tự mình chưa hiểu, chưa giải quyết được cần phải được đưa ra trao đổi. Đồng thời, học sinh tự ghi lại kết quả nghiên cứu của mình để trao đổi, chia sẻ trong nhóm; Khi thực hiện chia sẻ cả nhóm: thành viên trong nhóm sẽ đưa ra ý kiến trao đổi, các thành viên còn lại chú ý lắng nghe, ghi chép và tự rút ra các ưu điểm, hạn chế, đưa ra ý kiến phản biện, bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi, sau đó nhóm kết luận thống nhất các ý kiến, báo cáo giáo viên. Căn cứ nội dung bài học, giáo viên cần linh hoạt điều chỉnh các hình thức hoạt động (cá nhân, nhóm, chia sẻ bài trước lớp, trò chơi học tập,…) sao cho khoa học, hiệu quả và khơi gợi sự hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động học tập của học sinh.
Thứ sáu là:  đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học
Có thể khẳng định rằng trong những năm học vừa qua, phòng Giáo dục thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất; cung ứng đầy đủ, kịp thời các trang thiết bị, đồ dùng dạy học như: Máy chiếu, máy tính, máy chiếu vật thể, ti vi thông minh, bộ đồ dùng thiết bị dạy học tối thiểu… cho các đơn vị  trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nhờ đó đã đáp ứng tốt yêu cầu dạy học theo Mô hình trường học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

               Một số kết quả đạt được về chất lượng học sinh năm học 2018-2019
Về chất lượng các môn học: 99,8% học sinh được đánh giá hoàn thành, trong đó hoàn thành tốt 60% trở lên. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 99,8% ; tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,9%.
Các trường tổ chức cho học sinh giao lưu viết chữ đẹp; viết thư quốc tế UPU; Vẽ tranh “Ý tưởng trẻ thơ”; Thi sáng tạo thanh thiếu niên cấp tỉnh có 03 sản phẩm đạt giải (02 giải C, 01 giải KK);  tham gia thi Toán, Tiếng Anh, Trạng nguyên Tiếng Việt qua mạng Internet;  thi Tiếng Anh trên Internet vòng thi quốc gia có 03 học sinh đạt giải (02 huy chương đồng, 01 giải khuyến khích); Thi Toán trên Internet vòng thi quốc gia có 30 học sinh đạt giải (08 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 06 huy chương đồng, 11 giải khuyến khích); Giao lưu Toán tuổi thơ cấp TP Phòng giáo dục trao 20 giải đồng đội, 86 giải cá nhân.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả công tác triển khai dạy học theo Mô hình VNEN, Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, tổ chức các lớp tập huấn, Hội nghị trao đổi chuyên môn để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học trong các nhà trường.
 



 





 

Nguồn tin: Phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây