Module logo

Chế độ - Chính sách

Các câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách

Những câu hỏi chung:

  • Câu hỏi Học sinh có cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động nhưng đã chết và học sinh này được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng thì có thuộc đối tượng được giảm học phí không?
  • Trả lời
    Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

    Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên thuộc diện giảm 50% học phí.

    Đối chiếu với quy định trên thì trường hợp cha hoặc mẹ của học sinh bị tai nạn lao động đã chết và học sinh được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng thì thuộc diện giảm 50% học phí.

    Nguồn: http://chinhsachonline.chinhphu.vn

  • Câu hỏi Tôi tốt nghiệp THCS năm 2014. Năm 2016, tôi đăng ký đi học nghề. Tôi xin hỏi, tôi có thuộc đối tượng được miễn học phí không?
  • Trả lời
    Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

    Căn cứ quy định tại Khoản 13, Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và Điểm n, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP thì đối tượng được miễn học phí gồm cả "người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp (bao gồm cả học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp)".

    Đối chiếu với quy định trên, nếu người học đã tốt nghiệp THCS và không có bằng cấp học cao hơn THCS thì khi học tiếp lên trình độ trung cấp nghề được miễn học phí.

    Nguồn: http://chinhsachonline.chinhphu.vn

  • Câu hỏi Tôi đang hưởng lương ngạch giáo viên THCS chính (A1-15a.201), có chứng chỉ B tiếng Anh cấp năm 1998, chứng chỉ B tin học cấp năm 2008. Vậy, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II, mã V.07.04.11, tôi có phải bổ sung chứng chỉ tiếng Anh và tin học theo quy định mới không?
  • Trả lời

    Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh trả lời vấn đề này như sau:

    Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II đối với giáo viên đang hưởng lương mã ngạch A1-15a.201 được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ. Tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 5 quy định, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng là có trình độ ngoại ngữ bậc 2 quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Khoản 1, Điều 11 quy định, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS đối với tất cả ngạch giáo viên THCS hiện có (trong đó có ngạch A1-15a.201 sang chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II, mã số V.07.04.11).

    Sau khi bổ nhiệm, cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

    Đối với tiêu chuẩn ngoại ngữ, tại Điều 2 Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT quy định, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực từ 16/3/2014, tất cả chứng chỉ ngoại ngữ đã được cấp theo chương trình ngoại ngữ trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

    Như vậy, chứng chỉ tiếng Anh cấp năm 1998 của ông Đặng Văn Tạo không được công nhận, ông Tạo phải bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định. Hiện có 10 đơn vị được cấp phép cấp chứng chỉ này (danh sách trong các Thông báo số 823, 896, 42 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi).

    Đối với tiêu chuẩn tin học, tại Khoản 2, Điều 23 Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo-Thông tin và Truyền thông quy định các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.

    Như vậy, chứng chỉ B tin học cấp năm 2008 của ông Đặng Văn Tạo được công nhận, ông Tạo không phải bổ sung chứng chỉ tin học theo quy định mới.

    Nguồn: http://chinhsachonline.chinhphu.vn

  • Câu hỏi Tôi là giáo viên, kiêm nhiệm công tác phổ cập THCS. Số giờ tôi được giảm do kiêm nhiệm lại xếp vào 5 buổi trực văn phòng. Tôi xin hỏi, như vậy có hợp lý không? Những giáo viên kiêm nhiệm khác có số giờ dạy giảm đều phải trực văn phòng có đúng không?
  • Trả lời
    Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh trả lời vấn đề này như sau:

    Theo Điều 6 Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể:

    Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết, giáo viên THPT là 17 tiết.

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp THCS, 15 tiết ở cấp THPT.

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp THCS.

    Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp THCS…

    Điểm a, b, d, g, Khoản 1, Điều 31 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giáo viên bộ môn trường trung học có những nhiệm vụ: Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương; thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy ngoài việc đảm nhiệm đủ số tiết theo quy định, giáo viên còn tham gia làm công tác phổ cập giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục do Hiệu trưởng phân công giáo viên làm ngoài giờ, không được trừ tiết.

    Nếu phân công giáo viên kiêm nhiệm vừa làm phổ cập vừa trực văn phòng là không đúng. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị ông Thanh tham khảo các căn cứ nêu trên để vận dụng vào từng trường hợp cụ thể.

    Nguồn: http://chinhsachonline.chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây