Ngay từ đầu năm học mới 2017 - 2018, nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong việc triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch để phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Do đặc thù về nội dung và phương pháp mới của môn học nên Bộ phận chuyên môn đã xây dựng và sắp xếp thời khóa biểu các tiết học Mĩ thuật một cách hợp lí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên Mĩ thuật xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề (có chủ đề được dạy từ 2 đến 4 tiết) mang lại hiệu quả bài dạy. Ban giám hiệu nhà trường đã cùng bàn bạc với phụ huynh chuẩn bị đủ sách giáo khoa theo phương pháp Đan Mạch, đồ dùng học tập theo nội dung bài để các em có thể tham gia tốt các hoạt động học tập.
Đây là phương pháp dạy học mới. Vì vậy, để giúp giáo viên tiếp cận ngay với phương pháp dạy học này, nhà trường đã cử giáo viên dạy Mĩ thuật tham các lớp bồi dưỡng trong hè 2015, 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Xây dựng các tiết chuyên đề cấp trường, tham gia chuyên đề cấp Thành phố để thống nhất được phương pháp dạy học mới và cùng trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm ra các biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai dạy học sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để nhận được sự đồng thuận và cùng với giáo viên trong việc chuẩn bị đồ dùng học tập cho con em mình để tiết học Mĩ thuật đạt hiệu quả.
Qua 3 tháng triển khai và thực hiện việc dạy học môn Mĩ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch đã đạt được một số kết quả như sau:
Giáo viên biết cách lập kế hoạch và tổ chức quy trình dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương. Tổ chức đánh giá liên tục quá trình học mĩ thuật để phát triển các năng lực học tập, khả năng sáng tạo và kĩ năng sống cho mỗi học sinh. Quy trình dạy học mới của Đan Mạch rất khoa học và mềm dẻo, không cứng nhắc trong một tiết học tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình lên lớp. Giáo viên được trải nghiệm cùng với học sinh, giáo viên có điều kiện đầu tư sâu hơn về bài học, hợp tác cùng với đồng nghiệp, hiểu học sinh và đánh giá học sinh theo sự tiến bộ, hỗ trợ kịp thời khi học sinh gặp khó khăn.
Học sinh say mê học tập hơn, không bị áp lực nhiều về mặt thời gian hoặc sợ mình không làm được. Đối với học sinh cá biệt, ít quan tâm đến việc học lại trở nên hứng thú hơn, ham thích hoạt động thể hiện rõ ở việc làm việc theo nhóm. Đối với học sinh có năng khiếu thì được bộc lộ khả năng của mình, qua đó tinh thần hợp tác nhóm trong môn Mĩ thuật và các môn học khác được nâng cao.
Qua các hoạt động dạy học, học sinh đã hòa mình vào thế giới của màu sắc, học sinh được tạo sản phẩm theo ý thích của mình một cách thoải mái. Thầy trò giao hòa với nhau một cách gần gũi, tự nhiên. Quả thật phương pháp dạy học theo phương pháp dạy học Đan Mạch đã để lại trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ những ấn tượng khó quên.
Tuy vậy, bước đầu việc tổ chức dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ dạy học,... Nhưng bằng sự sáng tạo, nhiệt tình và tâm huyết với nghề, không ngại khó khi tiếp cận với phương pháp mới của các thầy cô giáo dạy mĩ thuật, sự quan tâm của Phòng Giáo dục và Đào tạo, sự quyết tâm chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi tin tưởng rằng dạy học môn Mĩ Thuật theo phương pháp Đan Mạch sẽ thành công, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Nhà trường.
Một số hình ảnh của nhà trường