Dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Điện Biên, Phòng Giáo dục Thành phố Điện Biên Phủ; mô hình “dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS” được triển khai rộng khắp toàn tỉnh. Cùng với nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đảm bảo trẻ tự tin khi bước vào bậc học tiểu học, Trường Mầm non 7/5 – Thành phố Điện Biên Phủ chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, khâu then chốt trong đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường.
Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu trường mầm non 7/5 đã triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng kế hoạch, Tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số”. Trong giờ lên lớp, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp chủ đề nhằm phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Qua đó, hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc và hiểu tiếng Việt cho trẻ, giúp trẻ tự tin, thêm hứng thú trong mỗi buổi học.
Tâm sự và trao đổi của các cô giáo trường mầm non 7/5, để thực hiện tốt việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ, ngoài giờ lên lớp, giờ chơi của bé thì trong lúc trẻ chơi hoạt động ngoài trời, giờ đón, trả trẻ các cô thường xuyên gần gũi, động viên ân cần, lưu tâm những trẻ nhút nhát. Đối với trẻ lớp mẫu giáo lớn, ngoài phát âm đúng, các cô còn tập trung rèn kỹ năng giúp trẻ nói đủ câu, chú trọng sửa lỗi phát âm cho trẻ ở các từ khó, sửa tật ngọng giúp trẻ thêm tự tin khi giao tiếp tiếng Việt. Tăng sự hứng thú, khuyến khích trẻ giao tiếp bằng tiếng Việt, các lớp thực hiện tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho trẻ trải nghiệm khám phá thế giới xung quanh trẻ.
Về phía nhà trường trong năm học đã thực hiện tổ chức một số hoạt động ngoại khóa “ Mùa xuân Bé thêm một tuổi; Nhớ ơn các chú bộ đội; Bé vui tết mồng 1/6; thăm quan các khu di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của địa phương và Tổ chức hội thi Bé khéo tay, Bé khỏe - Bé ngoan cho các cháu.
Để tạo môi trường phát triển tiếng Việt cho trẻ, nhà trường cũng tăng cường bổ xung đồ dùng, đò chơi trang thiết bị dạy học phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ để kích thích nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của trẻ. Các giờ hoạt động ngoài trời trẻ được tìm hiểu và chơi các trò chơi dân gian, câu đố vui, các bài thơ ca dao, đồng giao, tục ngữ để mở rộng vốn từ vựng. Qua đó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội và giao tiếp bằng tiếng Việt được tốt hơn.
Kết quả kiểm tra thực tế trẻ em người dân tộc 98% trẻ không còn phát âm ngọng ; 100% trẻ hiểu tiếng Việt và làm theo yêu cầu của cô giáo. Các cháu đã chủ động giao tiếp với bạn bè, cô giáo bằng tiếng phổ thông. Các cháu học sinh người dân tộc tự tin, ngoan ngoãn chào hỏi, mạnh dạn hát, đọc thơ rõ ràng. Đó cũng là sự nỗ lực cố gắng của tập thể đội ngũ giáo viên mầm non trường Mầm non 7/5 góp phần không nhỏ vào quá trình thực hiện có hiệu quả giải pháp “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số” theo định hướng của ngành Giáo dục đào tạo Tỉnh Điện Biên./.
Một số hình ảnh tiêu biểu của nhà trường