Tham dự Hội thảo chuyên môn có đồng chí Đào Thái Lai - trưởng phòng Giáo dục TH - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên; đ/c Lê Thị Hồng - Thành ủy viên - trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ; đ/c Nguyễn Hồng Ngọc, đ/c Vũ Minh Trung - P. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ. Dự Hội thảo chuyên môn còn có các đ/c cán bộ chuyên môn phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu, giáo viên dạy lớp 1 các trường Tiểu học trong toàn thành phố, nhà báo Minh Thịnh - Báo Giáo dục thời đại đến dự và đưa tin.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo chuyên môn, đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên được dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hình thức tổ chức dạy học 01 tiết tiếng Việt lớp 1 phần âm,
bài 12: H h L l do cô giáo Trần Thị Ngọc Hồi cùng các em học sinh lớp 1A1 trường TH Hà Nội - ĐBP thực hiện.
Phần thảo luận, rút kinh nghiệm sau tiết dạy: Cán bộ quản lý, giáo viên các trường đã bày tỏ sự hài lòng, đồng thuận cao với quy trình, hình thức, phương pháp giáo viên thể hiện qua bài dạy; đánh giá cao các thao tác và quy trình học tập, mức độ tiếp thu kiến thức và hoàn thành tốt bài học của học sinh, các ý kiến thảo luận đều cho rằng: Tiết học tiếng Việt lớp 1 phần vần theo chương trình sách giáo khoa mới đã diễn ra hết sức nhẹ nhàng và thoải mái. Giáo viên đã dạy học đúng đặc trưng bộ môn, lời giảng rành mạch, truyền cảm, đã vận dụng tốt quy trình, phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế thừa những bước dạy ưu việt của chương trình tiếng Việt Công nghệ Giáo dục một cách nhịp nhàng tạo nên tiết dạy thành công và đạt hiệu quả cao. Cụ thể như: trong tiết học, phần đọc tiếng học sinh được ghép nhiều tiếng mới có chứa âm mới học; kết hợp với nhiều hình thức đọc: Đọc theo cá nhân, nhóm hai, nhóm bốn, theo tổ, theo lớp với các lệnh của GV; sử dụng tốt các kí hiệu hoạt động trong tiết học.
Trong quy trình áp dụng phương pháp dạy học mới đã phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Cụ thể: phần nhận biết từ câu trọn vẹn gắn với một sự việc cụ thể, để HS nhận biết âm chữ, rồi từ âm chữ, ghép thành tiếng, từ ngữ, câu. Học sinh được quan sát, nhận xét, trao đổi với bạn, với cô, biết trình bày trước lớp theo ý hiểu của cá nhân. Từ đó, HS không những được phát triển nhanh kĩ năng giao tiếp mà còn có được cơ hội phát triển khả năng quan sát, tưởng tượng, suy luận,…; phần đọc học sinh được quan sát, tìm tòi và thao tác nhiều trên đồ dùng kết hợp đọc và chia sẻ với bạn; Phần viết GV đã sử dụng phần mềm chữ viết giúp học sinh được quan sát và định hình tốt được quy trình viết một cách dễ dàng hơn.
Giáo viên đã sử dụng một số phương pháp dạy học đặc trưng như: Phương pháp làm mẫu, phương pháp phân tích mẫu, phương pháp hỏi đáp, phương pháp trực quan… Giáo viên luôn luôn để cho học sinh có nhiều cơ hội được thực hành và rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng thành thạo và hiệu quả các đồ dùng dạy - học, ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học.
Học sinh tích cực, tự tin, tự chủ và tự học, phát huy khả năng giao tiếp và hợp tác để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, nắm chắc các hoạt động trong giờ học. Bước đầu các em có kĩ năng phân tích, đọc to, rõ tiếng, chữ viết đều đẹp. Tại lớp học học sinh thực hiện theo lệnh cô giáo một cách nhanh gọn, chính xác, lớp học nền nếp, giáo viên giảm bớt được ngôn ngữ nói trong dạy học mà còn tạo được sự hưng phấn cho các em. Chính vì vậy, học sinh tự giác học tập, chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện phát triển tốt các kỹ năng. Qua môn tiếng Việt, học sinh được hình thành dần cho mình năng lực và phẩm chất nhân cách đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong phần thảo luận, CBQL, giáo viên cũng đã thảo luận, chia sẻ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học theo bộ sách giáo khoa lớp 1 mới nhằm tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, phát huy năng lực của học sinh. Đa số các trường tiểu học thuộc các xã nêu lên những khó khăn tiêu biểu như: do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm học mẫu giáo 5 tuổi học sinh nghỉ học nhiều, nhiều học sinh chưa ghi nhớ hết 29 chữ cái tiếng Việt trước khi vào lớp 1, nội dung một số bài dài, học sinh viết chậm nên phần viết giáo viên gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, không kịp tiến độ bài dạy,...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Hội thảo chuyên môn, đồng chí Đào Thái Lai - trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đánh giá cao quy trình, sự linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả tiết dạy tiếng Việt 1 theo sách giáo khoa lớp 1 mới. Đồng chí cũng đã chia sẻ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà đa số các trường đang gặp phải như: “Để rèn nền nếp, thói quen, kĩ năng học tập cho học sinh thì giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh được làm thường xuyên, giáo viên quan tâm, động viên khích lệ học sinh, không làm thay học sinh. Cả cô và trò cần có sự chuẩn bị trước cho bài học thật chu đáo, giáo viên dạy đến đâu chắc đến đó, học sinh học đến đâu hiểu, ghi nhớ và vận dụng được kiến thức bài, mức độ vận dụng phù hợp với năng lực học sinh ở mỗi đơn vị trường; Các trường cần quan tâm và thực hiện tốt việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, đối với các bài dài, khó (ví dụ: bài mới có từ 3 đến 4 âm) cần xây dựng giãn số tiết để đảm bảo mức độ kiến thức vừa sức, phù hợp đối tượng học sinh song vẫn đảm bảo tiến độ kết thúc chương trình bài học vào cuối học kì 1, cuối năm học; đối với các tiết hoạt động trải nghiệm lớp 1, nội dung giáo dục địa phương mỗi nhà trường cần chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch, dạy tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục địa địa phương trong hoạt động trải nghiệm”.
Qua trao đổi, thảo luận cán bộ quản lý, giáo viên các trường đã phần nào tháo gỡ được những băn khoăn vướng mắc và có những giải pháp trong việc xây dựng chương trình dạy học nhà trường sát với thực tiễn đơn vị trường mình.
Đ/c Đào Thái Lai - Trưởng Phòng GDTH - Sở Giáo dục và Đào tạo (ngoài cùng, bên phải)
tham gia vào các nội dung thảo luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Lê Thị Hồng - thành ủy viên, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh “
Phòng giáo dục luôn quan tâm đến công tác chuyên môn dạy và học, quan tâm đến chất lượng giáo dục và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh”. Các yếu tố mang lại thành công cho mỗi giờ giảng, chất lượng dạy học chính là ở giáo viên, giáo viên cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ý thức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với công việc được giao và tình yêu thương dành cho các em học sinh. Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên cần lắng nghe những phản hồi từ phụ huynh học sinh, chia sẻ và cùng phụ huynh tháo gỡ những băn khoăn lo lắng khi dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới. Phòng giáo dục luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học tại các nhà trường.
Đ/c Lê Thị Hồng - Thành ủy viên - Trưởng Phòng GD&ĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Kết luận Hội thảo, đồng chí Vũ Minh Trung - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo đã định hướng cho các trường những giải pháp về xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường, đặc biệt là xây dựng chương trình môn học, tách tiết đối với những bài có nội dung kiến thức dài và khó sao cho phù hợp với đối tượng học sinh; giáo viên cần thường xuyên sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học, tích cực ứng dụng CNTT trong quá trình soạn bài, giảng bài trên lớp,...Ban giám hiệu cần sát sao trong công tác quản lý chỉ đạo, chủ động trong công tác chỉ đạo chuyên môn dạy và học cũng như mọi hoạt động trong nhà trường; quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho lớp 1.
Hội thảo chuyên môn cấp thành phố đã thành công tốt đẹp, đây cũng là dịp để Cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn, chủ động đổi mới, sáng tạo trong quá trình giảng dạy theo sách giáo khoa lớp 1 mới, góp phần triển khai và thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2020-2021 và những năm học tiếp theo.