Chiều ngày 23/10/2020, tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, cụm chuyên môn số 3 thành phố Điện Biên Phủ tổ chức Hội thảo chuyên môn dạy - học lớp 1 theo Chương trình sách giáo khoa mới, năm học 2020-2021 và thảo luận phương pháp dạy học VNEN, dạy học từ láy trong Tiếng Việt.
Tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn có đồng chí Hoàng Bích Huệ - Nhóm trưởng nhóm chuyên môn Tiểu học và các đ/c Ban giám hiệu, 113 giáo viên dạy các trường Tiểu học trong cụm chuyên môn số 3 và 20 đ/c giáo viên mới chuyển từ các huyện về thành phố.
Tại Hội thảo chuyên môn, đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viênlớp 1, 2 được dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hình thức tổ chức dạy học 01 tiết tiếng Việt lớp 1 phần vần, bài 34: am, ăm, âm do cô giáo Nguyễn Thị Hằng cùng các em học sinh lớp 1A1 trường TH Bế Văn Đàn thực hiện và 01 tiết tiếng Việt lớp 1 phần Luyện tập tổng hợp, bài 35: Ôn tập kể chuyện do cô giáo Hoàng Thị Hường cùng các em học sinh lớp 1B trường TH – THCS Thanh Trường thực hiện.
Song song với 2 tiết dạy Tiếng Việt lớp 1 là phần sinh hoạt thảo luận về cách dạy từ láy trong Tiếng Việt và thảo luận về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học VNEN đối với các lớp 2,3,4,5 do hai cô giáo Trần Lệ Quyên và cô Nguyễn Thị Thảo trường Tiểu học Bế Văn Đàn thực hiện.
Phần thảo luận, rút kinh nghiệm sau tiết dạy: Cán bộ quản lý, giáo viên các trường đã bày tỏ sự hài lòng, đồng thuận cao với quy trình, hình thức, phương pháp giáo viên thể hiện qua các bài dạy; đánh giá cao các thao tác và quy trình học tập, mức độ tiếp thu kiến thức và hoàn thành tốt bài học của học sinh, các ý kiến thảo luận đều cho rằng: Tiết học tiếng Việt lớp 1 phần vần và phần luyện tập kể chuyện theo chương trình sách giáo khoa mới đã diễn ra hết sức nhẹ nhàng và thoải mái. Giáo viên đã dạy học đúng đặc trưng bộ môn, lời giảng rành mạch, truyền cảm, đã vận dụng tốt quy trình, phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế thừa những bước dạy ưu việt của chương trình tiếng Việt Công nghệ Giáo dục một cách nhịp nhàng tạo nên tiết dạy thành công và đạt hiệu quả cao. Cụ thể như: trong tiết học, phần đọc tiếng học sinh được ghép nhiều tiếng mới có chứa vần mới học; kết hợp với nhiều hình thức đọc: Đọc theo cá nhân, nhóm hai, nhóm bốn, theo tổ, theo lớp với các lệnh của GV; sử dụng tốt các kí hiệu hoạt động trong tiết học. Học sinh kể chuyện theo nhóm, kể chuyện trước lớp đóng vai một cách rất tự nhiên.
Trong quy trình áp dụng phương pháp dạy học mới đã phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Giáo viên luôn luôn để cho học sinh có nhiều cơ hội được thực hành và rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng thành thạo và hiệu quả các đồ dùng dạy - học, ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học. Học sinh tích cực, tự tin, tự chủ và tự học, phát huy khả năng giao tiếp và hợp tác để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, nắm chắc các hoạt động trong giờ học. Bước đầu các em có kĩ năng phân tích, đọc to, rõ tiếng, chữ viết đều đẹp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Hội thảo chuyên môn, đồng chí Hoàng Bích Huệ - Nhóm trưởng chuyên môn tiểu học, phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao quy trình, sự linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả tiết dạy tiếng Việt 1 theo sách giáo khoa lớp 1 mới. Đồng chí cũng đã chia sẻ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà đa số các trường đang gặp phải như: “Giáo viên cần sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học; Kể chuyện kết hợp khai thác nội dung câu chuyện ở mức độ đơn giản; Học sinh kể chuyện, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thêm những lời thoại, các động tác điệu bộ, cử chỉ phù hợp nhân vật trong truyện để tiết học tự nhiên hơn.” Trao đổi về phương pháp dạy học VNEN đ/c nhấn mạnh: “ Giáo viên cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng nhóm trưởng, linh hoạt trong việc tổ chức dạy học theo nhóm: Nhóm theo năng lực học sinh, nhóm ngẫu nhiên,...; Giáo viên đến với các nhóm học sinh, giảng giải, khắc sâu kiến thức bài trong nhóm giao thêm phiếu bài tập, hỏi những câu hỏi nâng cao phù hợp với năng lực học sinh. Giáo viên cần chọn nội dung kiến thức, thời điểm để tổ chức chia sẻ nội dung bài trước lớp sao cho phù hợp với tiến độ học tập của các nhóm”.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Bích Huệ đã định hướng cho các trường những giải pháp về xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường, đặc biệt là xây dựng chương trình môn học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh; giáo viên cần thường xuyên sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học, tích cực ứng dụng CNTT trong quá trình soạn bài, giảng bài trên lớp,...Ban giám hiệu cần sát sao trong công tác quản lý chỉ đạo, chủ động trong công tác chỉ đạo chuyên môn dạy và học, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cũng như mọi hoạt động trong nhà trường; quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho lớp 1.
Hội thảo chuyên môn cụm chuyên môn số 3 đã thành công tốt đẹp, đây cũng là dịp để Cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn, chủ động đổi mới, sáng tạo trong quá trình giảng dạy theo sách giáo khoa lớp 1 mới, chương trình dạy học VNEN đối với lớp 2,3,4,5 góp phần triển khai và thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2020-2021 và những năm học tiếp theo.
Một số hình ảnh tiêu biểu