Cổng thông tin Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủhttps://pgdtpdienbienphu.edu.vn/uploads/home/2023-logo-pgdtp-dienbienphu.png
Thứ sáu - 23/10/2020 06:32
Mường Phăng là xã vùng ngoài của Thành phố Điện Biên Phủ, đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc: Kinh, Thái, H’Mông; ngành nghề chính của bà con tại các thôn bản nơi đây chủ yếu là làm ruộng nên thu nhập thường bấp bênh, theo thời vụ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Vì vậy ở địa bàn này, ngoài điều kiện vất vả, khó khăn của nhiều hộ gia đình thì những năm qua, các em nhỏ xã khó khăn Mường Phăng nói chung và những em nhỏ đang theo học tại Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp nói riêng, cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. Đặc biệt, có không ít em sinh ra trong các gia đình quá khó khăn và đói nghèo, đã phải rất vất vả để duy trì việc đến lớp, đến trường. Do điều kiện khó khăn, đối với trẻ ở độ tuổi từ 3-36 tháng, thay vì đưa trẻ đến trường, nhiều phụ huynh thường lựa chọn phương án để trẻ ở nhà và nhờ các thành viên trong gia đình trông giúp.
Mường Phăng là xã vùng ngoài của Thành phố Điện Biên Phủ, đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc: Kinh, Thái, H’Mông; ngành nghề chính của bà con tại các thôn bản nơi đây chủ yếu là làm ruộng nên thu nhập thường bấp bênh, theo thời vụ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Vì vậy ở địa bàn này, ngoài điều kiện vất vả, khó khăn của nhiều hộ gia đình thì những năm qua, các em nhỏ xã khó khăn Mường Phăng nói chung và những em nhỏ đang theo học tại Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp nói riêng, cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. Đặc biệt, có không ít em sinh ra trong các gia đình quá khó khăn và đói nghèo, đã phải rất vất vả để duy trì việc đến lớp, đến trường. Do điều kiện khó khăn, đối với trẻ ở độ tuổi từ 3-36 tháng, thay vì đưa trẻ đến trường, nhiều phụ huynh thường lựa chọn phương án để trẻ ở nhà và nhờ các thành viên trong gia đình trông giúp.
Tuy nhiên, đó là thực tế của nhiều năm về trước, còn khoảng 5 năm trở lại đây, học sinh nhóm nhà trẻ đã tăng cao đáng kể, hàng năm nhà trường đều thực hiện việc huy động trẻ vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu mà phòng Giáo dục và UBND Thành phố giao. Có được tín hiệu đáng mừng đó chính là nhờ những đóng góp không nhỏ của “Quỹ Trò nghèo vùng cao” và cũng nhờ Quỹ, nhiều năm qua, đã có hàng trăm em học sinh được tiếp sức đến trường.
Gia đình chị Lò Thị Tinh, ở bản Tân Bình, xã Mường Phăng, Thành phố Điện Biên Phủ cách điểm trường bản Phăng gần 7km. Ngày ngày, mỗi buổi chiều, khi đến trường đón cô con gái nhỏ Lò Thị Bảo Trang 22 tháng tuổi, nhìn con vui đùa cùng bạn bè chị Tinh lại cảm thấy mình thật may mắn, vì gia đình chị có hoàn cảnh hết sức khó khăn, để con được đến trường từ độ tuổi nhà trẻ đúng là một niềm mơ ước. Chị Tinh chia sẻ: “Ngày trước, khi được các cô giáo Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp đến vận động đưa trẻ đến lớp, mình cũng rất thương con, phần thì muốn cho con đến trường để con có điều kiện học tập, vui chơi như các bạn, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mình đã để con ở nhà và nhờ bà ngoại trông. Nhưng các cô giáo cũng khuyên rằng, bà ngoại sức khỏe đã yếu, các bé nhà trẻ khi đi học thì sẽ được hỗ trợ từ “Quỹ Trò nghèo vùng cao”, các phụ huynh chỉ phải nộp thêm cho mỗi bé 4 nghìn tiền ăn/1 ngày, thì mình mừng quá!”.
“Quỹ Trò nghèo vùng cao”, tiền thân là Chương trình Cơm Có Thịt, là quỹ xã hội từ thiện do nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) khởi xướng từ năm 2011. Quỹ hoạt động vì mục đích hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao Việt Nam nói chung và Điện Biên, trong đó có trẻ em Mường Phăng nói riêng, những bữa ăn tại lớp nhiều dinh dưỡng hơn và những trợ giúp cần thiết khác.
Theo số liệu thống kê, tại Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp, từ năm 2015 đến nay, “Quỹ Trò nghèo vùng cao” đã thực hiện hỗ trợ duy trì bữa ăn hàng ngày cho gần 400 em học sinh với tổng số tiền hơn 340 triệu đồng, ngoài ra Quỹ còn hỗ trợ tổ chức các chương trình như: Trung thu, Tất niên, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 cho gần 2.500 em học sinh với số tiền gần 50 triệu đồng. Đặc biệt, từ khi có “Quỹ Trò nghèo vùng cao”, không chỉ việc huy động trẻ đến lớp tăng lên mà nhiệm vụ duy trì sĩ số lớp nhà trẻ cũng nhận được rất nhiều tín hiệu vui, nhờ đó cũng góp phần tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Có thể nhận thấy, sau nhiều năm, những đóng góp của “Quỹ Trò nghèo vùng cao” không chỉ giúp làm vơi bớt những thiệt thòi của những em nhỏ đang theo học tại Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp, mà đó còn được xem là động lực, là điểm tựa và cũng là cơ hội để các em nhỏ vượt lên hoàn cảnh, vun đắp ước mơ cho bản thân để cùng kiến tạo tương lai, dựng xây quê hương, đất nước./.
Một số hình ảnh của nhà trường
Nguồn tin: Trường MN Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ