Tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn có đồng chí Hoàng Bích Huệ – Nhóm trưởng chuyên môn Tiểu học Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học trong cụm chuyên môn số 3.
Sinh hoạt chuyên môn cụm lần này đã tập trung vào những nội dung mới và khó trong chương trình môn Toán, Lịch sử và Địa Lý lớp 5 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên dự giờ, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức dạy và học đối với hai dạng bài trên.
Tiết dạy thực nghiệm môn Toán lớp 5 - Bài 17: Thực hành và trải nghiệm với một số đơn vị đo đại lượng (có nội dung tích hợp Stem) do cô giáo Lê Thị Hồng Lương cùng các em học sinh lớp 5A5 trường Tiểu học Noong Bua thực hiện. Với tinh thần đổi mới, tiết học đã mang đến cho học sinh một không gian học tập sáng tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành theo định hướng giáo dục STEM (vận dụng kiến thức môn Khoa học, Công nghệ, Mỹ thuật, Kỹ thuật và Toán học). Tiết học đã cơ hội để các em phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề qua những trải nghiệm thực tế đầy thú vị, đó là tính toán kích thước phù hợp và thiết kế một chiếc kệ sách/giá để đồ của lớp học, tính được số tiền để mua vật liệu làm sản phẩm đó. Từng nhóm học sinh được giao nhiệm vụ đã tiến hành xác định vị trí đặt kệ/giá, đo đạc không gian, lập kế hoạch và tính toán kích thước cho chiếc kệ sách/giá dựa trên số liệu đo đạc thực tế mà các em thu thập được. Trong quá trình thực hành, giáo viên luôn khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập, thử nghiệm nhiều phương án khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Các nhóm đã thể hiện sự sáng tạo không chỉ qua ý tưởng mà còn qua cách phân chia nhiệm vụ, làm việc nhóm hiệu quả. Tiết học không chỉ mang lại niềm vui học tập mà còn khơi gợi niềm đam mê với STEM trong mỗi học sinh.
Tiết Lịch sử & Địa lí Bài 6: Vương quốc Phù Nam do cô giáo Trần Thị Hà và các em học sinh lớp 5A1 Trường TH-THCS Hermann Gmeiner thực hiện. Giáo viên đã vận dụng phương pháp dạy học linh hoạt, kết hợp với video tư liệu và hình ảnh minh họa cụ thể, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu hơn về sự thành lập của quốc gia cổ đại này. Đây là một trong những nội dung mới và khó trong chương trình học, đòi hỏi sự đổi mới trong cách giảng dạy nhằm tạo sự hứng thú và khơi gợi lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Trong tiết học, học sinh đã trình bày được sự thành lập của nước Phù Nam qua truyền thuyết lập nước và một số bằng chứng khảo cổ học, mô tả được một số hiện vật khảo cổ học của Phù Nam; không chỉ dừng lại ở đó giáo viên còn chú trọng đến việc bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về di sản văn hóa của Vương quốc Phù Nam. Bằng các nguồn tư liệu phong phú, cụ thể, sinh động, giàu hình ảnh và giàu sức thuyết phục để minh hoạ bài giảng của giáo viên kết hợp với việc tổ chức các hoạt động học tập, tự tìm tòi tri thức lịch sử, địa lí của học sinh một cách tích cực, sáng tạo, tiết học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về Vương quốc Phù Nam mà còn cảm nhận sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Phần thảo luận rút kinh nghiệm sau tiết dạy, cán bộ quản lí, giáo viên các trường bày tỏ sự hài lòng, đồng thuận cao với các phương pháp, hình thức mà giáo viên thể hiện qua các tiết dạy, đánh giá cao thao tác, quy trình học tập, mức độ tương tác, tiếp thu kiến thức và hoàn thành tốt bài học của học sinh. Các tiết học diễn ra hết sức nhẹ nhàng và thoải mái. Các phương pháp giảng dạy mới mẻ, sáng tạo, kết hợp với thực hành đã giúp học sinh phát triển tư duy logic, sáng tạo và kích thích sự khám phá. Qua đó, các em không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn được khuyến khích tự tin, tìm tòi khám phá tri thức, càng thêm yêu lịch sử Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi sinh hoạt chuyên môn, đồng chí Hoàng Bích Huệ – Cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao quy trình, sự linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của 2 tiết dạy. Đồng thời đồng chí đã chia sẻ về các phương án tổ chức tiết dạy để các trường vùng ngoài thành phố có thể tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường, đối tượng học sinh. Các trường cần tiếp tục áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực trong quá trình dạy học, tổ chức bài học STEM, phương pháp “bàn tay nặn bột”….vào các môn học bài học, nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện kỹ năng tư duy, thực hành, và giải quyết vấn đề. Tích cực ứng dụng công nghệ và tài liệu trực quan vào giảng dạy các môn học như Lịch sử, giúp học sinh hiểu sâu hơn và có cái nhìn trực quan về các sự kiện lịch sử, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc.
Buổi sinh hoạt chuyên môn cụm đã thành công tốt đẹp, đây cũng là dịp để cán bộ quản lí, giáo viên được trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bồi dưỡng chuyên môn, chủ động đổi mới, sáng tạo trong quá trình dạy học theo sách giáo khoa lớp 5 chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2024-2025.
Một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt chuyên môn