“Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ”.
Câu nói trên thật ý nghĩa và là điều mong mỏi của cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội.Trường mầm non là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ. Vì vậy, chúng ta cần tạo ra một môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những mầm non tương lai của đất nước. Việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.
Được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, trường mầm non 7/5 là một trong 3 trường thực hiện mô hình điểm toàn diện Chuyên đề cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện tốt chuyên đề, trường mầm non 7/5 luôn bám sát sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng như thực hiện tốt Kế hoạch số 1699/KH-SGDĐT ngày 19/7/2022 của Sở GD&ĐT; Kế hoạch số 898/KH-PGDĐT ngày 02/8/2022 của Phòng GD&ĐT về việc thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, căn cứ vào ưu điểm, hạn chế của việc thực hiện Chuyên đề giai đoạn trước, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch có lộ trình qua từng năm học. Sau mỗi năm học, nhà trường sẽ có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường luôn thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, xây dựng môi trường, đánh giá sự phát triển của trẻ, … có sự kết hợp chặt chẽ để tuyên truyền với cha mẹ trẻ, cộng đồng xã hội hiểu sâu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Nhằm triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chuyên đề, nhà trường đã và đang từng bước tạo môi trường giáo dục và xác định đây là yếu tố quan trọng góp phần tích cực trọng các hoạt động nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tạo cho trẻ cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, giúp trẻ thêm yêu trường, yêu lớp, gắn bó với ngôi nhà chung là trường mầm non. Nhà trường đã thiết kế môi trường giáo dục gần gũi, thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh - một môi trường vui chơi, học tập thực sự tin cậy, hiệu quả.
Môi trường vật chất trong và ngoài lớp luôn đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả trẻ có thể “học bằng chơi, chơi mà học”, phù hợp với thực tế của nhà trường. Các khu vực trong lớp được thiết kế theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động đảm bảo phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú; các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.
Mỗi lớp học đều có đủ các góc chơi phù hợp với từng độ tuổi của trẻ theo yêu cầu Chương trình Giáo dục mầm non. Các góc hoạt động có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hằng ngày của trẻ. Để tạo hứng thú cho trẻ, giáo viên đã tích cực tạo môi trường lớp học với những màu sắc sinh động, cho trẻ tham gia trang trí lớp cùng cô. Thông qua đó trẻ yêu thích đến trường, nơi đem lại cho trẻ nhiều điều bổ ích, cũng như được bày tỏ những điều mình mong muốn, được trưng bày những sản phẩm mình làm ra và được làm chủ lớp học của mình.
Nhà trường chỉ đạo giáo viên tổ chức tốt các hoạt động giáo dục theo kế hoạch, các hoạt động thường phối hợp các phương pháp, hình thức tổ chức hợp lý; tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân giúp trẻ bộc lộ hết khả năng của mình. Giáo viên tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ, khuyến khích tương tác giữ trẻ với trẻ. Các hoạt động được diễn ra một cách thoải mái, trẻ luôn là chủ thể hoạt động, giáo viên luôn gần gũi với trẻ, tận dụng những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống thật để dạy trẻ, là người trợ giúp trẻ sáng tạo. Giáo viên luôn gợi mở để trẻ nói lên được những gì trẻ cần, chuyển tải kiến thức cho trẻ dựa trên vốn kinh nghiệm, kỹ năng mà trẻ đã biết, từ đó cung cấp, bổ sung kiến thức cho trẻ theo mục đích yêu cầu đề ra.
Đối với Tiêu chí đánh giá trẻ: Nhà trường yêu cầu giáo viên đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có; đánh giá kết quả giáo dục trẻ phải được dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ. Đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu và kết quả mong đợi về giáo dục, sự phát triển về chiều cao, cân nặng và tình trạng dinh dưỡng của trẻ; sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp (không đánh giá so sánh giữa các trẻ). Tôn trọng sự khác biệt của mỗi trẻ, đảm bảo công bằng với mọi trẻ; chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
Để thực hiện tốt Tiêu chí phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trong những năm qua nhà trường luôn đề cao công tác này; điểm sáng của Chuyên đề là vận động được sự tham gia của cha mẹ trẻ và các tổ chức xã hội vào quá trình giáo dục của nhà trường. “Nuôi dưỡng bằng tình yêu, dạy trẻ bằng tri thức” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành con đường đi đến thành công theo phương châm “Toàn dân tham gia giáo dục”.
Nhà trường luôn phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, lãnh đạo địa phương cùng với cộng đồng làm tốt công tác vận động và tiếp nhận tài trợ để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng khang trang hiện đại. Tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ về vị trí, vai trò của GDMN, quan điểm LTLTT và hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một. Nhà trường kịp thời thông tin đến gia đình những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ, có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lý của trẻ để thống nhất các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ; tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cùng hướng bậc phụ huynh tham gia với cô và trò; tích cực truyền thông giáo dục thông qua các phóng sự truyền hình, thông qua việc viết bài đăng trang Website, trang Facebook, Zalo, …Phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ em người dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Có thể khẳng định rằng: Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” thực sự đã mang lại cho chúng tôi cảm hứng để xây dựng một môi trường vì trẻ em. Trên con đường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện điểm mô hình theo Chuyên đề, chúng tôi cần nhiều hơn nữa sự đồng hành của các bậc phụ huynh, sự quan tâm bổ sung về nguồn lực cơ sở vật chất và các thiết bị dạy học hiện đại từ phía các cấp. Chính bởi trẻ em là trung tâm, là cái gốc cho mọi hoạt động của nhà trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới việc xây dựng hoàn thiện các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của trẻ và nhà trường, với xu thế giáo dục của thời đại. Tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện, lành mạnh đối với trẻ em; kích thích sự chủ động, tích cực và sáng tạo của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ em trong trường mầm non 7/5, thành phố Điện Biên Phủ anh hùng./.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI CHUYÊN ĐỀ